Một số tiêu chuẩn phổ biến của thiết bị điện

Standard

1. Tiêu chuẩn ISO 9001

ISO (International Organization for Standardization) là một tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế được thành lập vào năm 1947. Đây là cơ quan thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế, đưa ra các tiêu chuẩn thương mại và công nghiệp được áp dụng trên toàn thế giới. Với nhiệm vụ chính là thúc đẩy sự phát triển về vấn đề tiêu chuẩn hoá nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ quốc tế. Đến nay tiêu chuẩn ISO đã có 5 phiên bản như sau:

  • ISO 9001:1987 – phiên bản đầu tiên thiên về thuần sản xuất và tài liệu.
  • ISO 9001:1994 – không thay đổi nhiều so với phiên bản trước, hướng vào sản xuất.
  • ISO 9001:2000 – cải tiến vượt bậc với các phiên bản trước đó khi có tính linh động và bao quát hơn. Tiêu chuẩn này áp dụng được cho doanh nghiệp sản xuất và cung ứng dịch vụ, đảm bảo hiệu quả trong quản lý quy trình và đáp ứng nhu cầu khách hàng.
  • ISO 9001:2008 – so với phiên bản trước đó, tiêu chuẩn này chỉ có một vài thay đổi về thuật ngữ.
  • ISO 9001:2015 – phiên bản mới nhất và nâng cấp so với phiên bản đầu tiên. Chủ yếu tập trung vào kiểm soát và quản lý hệ thống trên cơ sở rủi ro nhắm tới phát triển bền vững.

Việt Nam là nước thứ 77 tham gia vào hệ thống tiêu chuẩn ISO. Các tiêu chuẩn ISO được chuyển thành Tiếng Việt ban hành với tên gọi Tiêu Chuẩn Việt Nam (viết tắt là TCVN).

2. Tiêu chuẩn FCC

Tiêu chuẩn FCC (Federal Communications Commission) là tiêu chuẩn được cấp bởi Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ. Mục đích của tiêu chuẩn này nhằm xác nhận rằng: thiết bị công nghệ không gây ảnh hưởng nhiễu điện từ vượt quá giới hạn cho phép. Mọi thiết bị điện tử sử dụng sóng vô tuyến muốn được phân phối tại thị trường Mỹ phải có chứng nhận FCC.

3. CE

CE (Conformité Européenne) tiếng Pháp có nghĩa là “Tuân thủ Tiêu chuẩn Châu Âu”. Chứng nhận CE là chỉ thị an toàn của Liên Minh Châu Âu (EU) thể hiện sản phẩm đã vượt qua một số thử nghiệm nhất định và được phép bán trên thị trường EU và Khu vực Kinh tế Châu Âu.

Lưu ý, CE không phải là tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng của một sản phẩm hay cấp giấy chứng nhận xuất xứ mà đó là tiêu chuẩn đảm bảo an toàn đối với sức khoẻ con người và môi trường.

4. Tiêu chuẩn IEC / EN 62368

Tiêu chuẩn IEC / EN 62368 do Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC) soạn thảo bao gồm các thiết bị thương mại điện có điện áp danh định không vượt quá 600V và các thiết bị công nghệ thông tin được cấp nguồn bằng pin hoặc nguồn điện. Nó cũng bao gồm các thiết bị công nghệ thông tin được thiết kế để sử dụng như thiết bị cơ sở hạ tầng viễn thông và thiết bị đầu cuối.

Tiêu chuẩn IEC / EN 62368 là tiêu chuẩn an toàn của sản phẩm nhằm phân loại các nguồn năng lượng, quy định các biện pháp bảo vệ chống lại các nguồn năng lượng đó và cung cấp hướng dẫn về việc áp dụng và yêu cầu đối với các biện pháp bảo vệ đó.

Các biện pháp bảo vệ được quy định nhằm giảm khả năng gây đau đớn, thương tích và trong trường hợp hỏa hoạn, thiệt hại về tài sản.

5. Tiêu chuẩn RoSH

Tiêu chuẩn RoHS (Restrict of Hazardous Substances) là tiêu chuẩn được ban hành bởi Liên minh Châu Âu thông qua các chỉ thị, quy định về việc hạn chế sử dụng một số chất độc hại trong thiết bị điện và điện tử. Gồm 3 phiên bản:

  • RoHS là Chỉ thị 2002/95 / EC, ban hành năm 2006.
  • RoHS 2 là Chỉ thị 2011/65 / EU, ban hành năm 2011.
  • RoHS 3 là Chỉ thị 2015/863, ban hành năm 2015 (có hiệu lực vào năm 2019).

Tại Việt nam, Bộ Công Thương cũng có 2 văn bản liên quan đến quản lý RoHS trong sản phẩm như sau:

  • Thông tư 30/2011/TT-BCT Thông tư quy định tạm thời về giới hạn hàm lượng cho phép của một số hóa chất độc hại trong sản phẩm điện, điện tử
  • Quyết định 4693/QĐ-BCT Quyết định 4693/QĐ-BCT năm 2011 đính chính Thông tư 30/2011/TT-BCT quy định tạm thời về giới hạn hàm lượng cho phép của hóa chất độc hại trong sản phẩm điện, điện tử do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành.

Trên đây là bài viết một số tiêu chuẩn của các thiết bị điện – điện tử. Cảm ơn Quý bạn đọc đã quan tâm theo dõi.